Kỷ niệm ngày Cha Mẹ đoàn tụ
(Viết cho Cha)
Cha đi – 15 năm, 15 năm không một tin tức gì, Mẹ ở nhà mòn mỏi chờ Cha...
Mẹ cưới Cha từ khi Mẹ mới 16 tuổi..
Mẹ kể, ngày đó gia đình Cha nghèo lắm, Cha là con út trong gia đình, Ông Bà Nội mất sớm, các Bác và Cô cũng lần lượt ra đi, bỏ lại Cha bơ vơ không người thân. Ông Ngoại thương nên “nhận về làm người ở” mặc dù nhà Ông Bà Ngoại cũng nghèo nhất nhì trong làng.
Cha lớn lên trong gia đình của Ông Ngoại, thấy Cha hiền lành thật người nên Ông Ngoại đã cưới Mẹ cho Cha.
Năm 60 ( Mẹ kể lại), Cha Mẹ cưới nhau được 20 ngày thì cha lên đường đi bộ đội, Mẹ một mình trong cảnh “có chồng cũng như không”.
Cha hết vào Nam rồi ra Bắc, hết Miền Trung lại qua Lào.
Cha đi – 15 năm, 15 năm không một tin tức gì, Mẹ ở nhà mòn mỏi chờ Cha. Ai cũng nghĩ Cha đã hy sinh, nên khuyên Mẹ đi lấy người khác, nhưng Mẹ nhất quyết không chịu – nhất quyết chờ Cha đến ngày đất nước hòa bình - nhất định Cha sẽ về.
Mẹ đẹp - đẹp lắm (cô thì chẳng mang được cái gen này), ngày đó Mẹ làm ở trạm y tế, có rất nhiều người đàn ông đến với Mẹ, nhưng Mẹ vẫn một mực chờ Cha. Mẹ vẫn luôn nuôi niềm hy vọng, chưa có giấy báo tử thì Cha vẫn còn chiến đấu ở chiến trường nào đó.
Mười lăm năm, ngày đất nước hòa bình rồi cũng đến. Mẹ mừng - mừng lắm, cứ thấp thỏm chờ ngày Cha về. Mười lăm năm đã qua (gần bằng cái tuổi ngày Mẹ cưới Cha) Mẹ có thể chờ Cha được, giờ có mấy ngày thôi mà sao dài quá vậy. Một ngày rồi hai ngày, một tuần rồi hai tuần, những người đi bộ đội ở làng xã đều đã về hết, còn Cha ở đâu?
Mẹ khóc ròng, chạy hỏi hết chổ này tới chổ khác. Mười lăm năm chẳng là gì đối với cuộc sống sau này, nhưng với sự chờ đợi nó giống như một đời người.
Mẹ lại đợi, rồi gần 3 tháng sau… Cha về, với bao vết thương chiến tranh để lại. Niềm vui ngày Cha Mẹ đoàn tụ chưa được bao lâu thì Cha phải chịu những cơn đau do vết thương khi trái gió trở trời, chịu những cơn sốt rét rừng để lại cũng may là Mẹ có chút kiến thức về y tế.
Hơn hai năm sau ngày Cha Mẹ đoàn tụ, các anh chị em của cô lần lượt ra đời. Cha đặt tên các con theo ý nguyện của mình: Nước (Thủy), Nam , Thanh, Bình. Hì hì… sau này “lỡ kế hoạch” nên đặt em cô là “Non” (Sơn). Rồi chị gái kế cô, sau một trận sốt thập tử nhất sinh được một cô y tá cứu sống, mang ơn người đã cứu con gái mình, Cha đặt lại tên chị theo tên cô y tá đó, nên cô “phải chịu” cả hai tên (hì hì) - Thanh Bình.
Tưởng chừng từ đó rồi Mẹ sẽ được hạnh phúc, sẽ được bù đắp,… nhưng cuộc sống… ai biết trước được điều gì. Cha đã thay đổi! Cha không còn là Cha của Mẹ cách đây hơn hai mươi năm về trước nữa. Những cơn đau do những vết thương để lại, những lo toan vật chất của cuộc sống thường ngày cùng đoàn con nheo nhóc… Cha trở thành một con người khác: gia trưởng, ghen tuông, tự ti,… tất cả những điều đó Cha đổ lên đầu Mẹ và chị lớn. Mẹ chịu những trận đòn thừa chết thiếu sống của Cha nhưng không một lời cãi lại, không một hành động chống cự. Chị lớn cũng bị vạ lây. Sau này là cô, mới tí tuổi đầu thấy cảnh đó nên bênh Mẹ chằm chặp và những trận đòn roi được chuyển qua cô.
Cô giận Cha, giận lắm. Và giận luôn cả Mẹ, sao cứ phải cam chịu, phải hy sinh để trong ấm ngoài êm, rồi khi cô bênh Mẹ cũng bị Mẹ mắng “mi không được hỗn với Cha”. Sau này khi cô đã lớn, hai mẹ con ngồi nấu bánh chưng chuẩn bị đón giao thừa, Mẹ đã kể cho cô nghe (Mẹ là người hiểu Cha nhất) đại loại như thế này: Những vết thương, những lần phải truyền máu, cuộc sống khó khăn, ngày Cha chưa về có nhiều nghĩ Cha đã hy sinh nên có ý định được đến với mẹ,… cùng với sự bất mãn đi bộ đội mười lăm năm nhưng giờ chẳng có gì, Cha trở nên gia trưởng, nóng tính, ghen tuông,… nhưng Cha con là một người tốt. Là một người đàn bà, một người vợ phải biết vun vén cho gia đình, phải biết cam chịu và hy sinh thì các con mới như ngày hôm nay”.
Rồi Mẹ cô cũng “bỏ” các anh chị em cô mà đi khi có biết bao ước nguyện chưa thành. Từ ngày mẹ ra đi, Cha cứ đi ra đi vào, cứ ngồi “lẫn thẩn” bậc thềm dòm ra. Tới ngày đám giổ hoặc những ngày một hay rằm trong tháng tự tay cha nấu nước trà xanh và bắt các con phải mua bằng được hoa tươi để Cha thắp nhang cho Mẹ. Từ ngày Mẹ mất Cha trở thành con người khác, Cha thay đổi hoàn toàn, Cha giống như là sự hiện hữu của Mẹ vậy. Ngay cả đến cô cũng không ngờ. Giờ đây Cha cô là niềm tự hào của gia đình cô, niềm tự hào của anh chị em cô.
Trong cuộc sống có những điều không như ý mình muốn, mình có thể chọn lựa lại. Nhưng gia đình, Cha Mẹ thì không. Và cho dù có cho sự lựa chọn lại đi chăng nữa thì cô vẫn chọn gia đình cô, vẫn là con của Cha Mẹ cô.
Cảm ơn em có bài viết chân tình !!!
Sau này con lớn thế là mẹ kêu
Vết thương thân xác như thêu
Nhưng trong tâm trí Cha yêu Thanh Bình
Hiểu nên Mẹ đã hi sinh
Cùng Cha vun vén gia đình vì con
Khi con hiểu, Mẹ chẳng còn
Giờ Cha là Mẹ chăm nom gia đình
Cha là chỗ dựa yên bình
Khi con trắc trở lặng thinh quay về
Thắp nhang cho Mẹ nguyện thề
Cha là tất cả là quê hương mình
Giờ anh thổn thức bên trong tim mình
Thế nên chỉ muốn nhắn tin
Mình chia tay cũng vô tình thôi em
Sợ phiền chẳng giám hỏi xem
Bạn trai có đến làm quen chưa mà
Sợ ai đứng đó nghe qua
Hỏi về quá khứ của ta với mình
Sợ em cay đắng lặng thinh
Quên đi một chút cảm tình khi xưa
Sợ anh như một người thừa
Gặp em xa lạ như chưa biết mình
Sợ nên chẳng giám thanh minh
Mình chia tay thật hết tình thế sao.
p/s : ôm em thật chặt kẻo Sinh chen vào giữ chít mất
Mình nhớ có đọc đâu đó câu có ý là : " Ở nơi nào có hạnh phúc là có một người phụ nữ biết hi sinh"
Mình cũng đang sống trong một gia đình như vậy nên chia sẽ cùng bạn nhé
Ôm thật chặt nào
Tuần mới nhiều tiếng cười bạn nhé