Lên mạng, đọc xong bài này lại nghĩ “có lấy chồng không ta?” . Đứa bạn bảo “ngu gì không lấy”. Ừm! Đúng vậy!
"Quen biết chàng từ hồi đi thực tập. Lúc ấy chàng oách, rất ra dáng “người của công ty”, hành mình ra trò. Ngậm cả khối căm hờn trong dạ, mình tự nhủ “Sau này nhất định có ngày ông báo thù cho hả”. Thế rồi kỳ thực tập kết thúc, hai đứa dạt đi hai ngả, tíu tít yêu đương hai đứa ất ơ khác mà sau này đôi lúc chúng nó lại cắn phải lưỡi khi bị nhắc tên ra. Gặp lại nhau, cưa bén phầm phập, chả mấy mà đòi cưới. Cưới rồi thì mộng vỡ, tanh bành như pháo hoa giao thừa nổ trên bầu trời Hà Nội.
Cưới xong được ở riêng ngay, đời thật đẹp gì đâu. Sớm chở nhau đi làm, chiều hò hẹn đón đưa, tối lê la hàng quán, đêm nhà mình thành… nhà nghỉ, công khai và thỏai mái, chả mất thêm tiền cho bố con thằng nào (đấy là chàng bảo thế, chứ ngoan như mình, có biết gì đâu). Tháng đầu trôi qua ấm êm và ngập ngụa cảm xúc. Cũng có nghĩa là kế hoạch vợ chồng son một năm đầu sau cưới có vẻ tiến triển thuận lợi. Thế rồi nhú ra một quả bầu. Ối giời ơi!!! Chết tôi rồi!!! “Đứa” nào xoen xoét “anh đảm bảo”, “anh biết cách”? Nói được mà không làm được, chàng của ngày xưa đâu? Chuỗi ngày vật vã bắt đầu. Giữa những cơn nôn ọe, chỉ muốn phang cho cái thằng cha thủ đoạn đã đem gieo cái hạt bầu vào lòng mình vài gậy, dù rằng hắn cũng đang xanh mặt chạy đi lấy bô lấy khăn.
Mọi thứ đều đảo lộn, như thức ăn trong ruột đi qua những cơn nghén. Ăn đã khó. Ngủ lại càng khổ sở. Mỗi đêm là một trận chiến dài. Bố mình xưa là lính không quân lăn lộn khắp các chiến trường, đến chơi ngủ lại cùng con rể mới được một đêm mà hôm sau cứ quầy quậy đòi về. Gặng mãi, mới nhủ “Chiến tranh qua đã lâu, ký ức đã yên. Giờ đêm nằm với nó, bố ám ảnh mãi tiếng phản lực cất cánh, tiếng máy bay tiêm kích của địch gầm rú trên trời. Chồng mày nó ngáy khiếp quá, thôi, bố về”.Thương bố một, thì thương mình nốt cả chín phần. Chết vì một chữ chính chuyên. Xưa cứ giữ gìn, có ngủ thử với nhau bao giờ đâu mà biết tật. Mỗi lời chàng nói nhẹ nhàng như một giọt mật rớt vào tai. Đến hơi thở cũng nhẹ như luồng gió thoảng. Giờ hối có kịp không?
Càng ở lâu, càng khám phá những điều hay ho ở người bạn đời vừa đáng yêu vừa đáng… đấm. Mỗi ngày là mỗi bất ngờ. Chẳng hạn, lô cốt ẩn náu của chàng trong căn nhà, không phải là phòng ngủ (chắc vì lúc nào cũng có một đống bèo nhèo ở đó, luôn mồm sai vặt với kêu ca), cũng không phải phòng khách (vì để vợ ở một mình thì tội vợ lắm), ban công cũng không (hút thuốc lá là gương xấu cho thế hệ tương lai) – mà chính là cái… toilet. Nghe điện thoại, đọc báo, ca hát huýt sáo vui vẻ, ôm laptop lướt web… tất tật chính tại nơi này.
Bảo sao, mỗi lần vào đấy là chiếm cứ rất lâu, như lính cảm tử bám trụ trận địa. Có hôm, bất thình lình mình mở cửa xông vào, bắt quả tang đối tượng đang ngồi trên bồn cầu mở nắp, nghẹo đầu ngủ say sưa trong khi tang vật là miếng bã kẹo cao su nhểu ra ở mép và sắp sửa rơi nốt xuống đùi. Bèn vớ lấy vòi sen và xịt cho một xịt, đáng đời. Bắt được bệnh rồi, từ lần sau mình chịu khó căn giờ. Cứ quá mười lăm phút là hắng giọng gõ cửa. Chàng ren rén đi ra, rồi lại kiếm cớ ra sân tưới cây tưới hoa, kiểu như tránh đi cho chắc. Ơ hay, vợ, chứ có phải quái vật đâu, mà sợ? Sao ngày xưa mỗi lần chia tay ra về, anh đều bịn rịn như thể chào em ngày mai đi lấy thằng khác thế, hử anh?
Mình vốn dĩ nhạy cảm và mau nước mắt. Chàng luôn nâng niu trân trọng từng cảm xúc vui buồn, và cũng buồn vui theo diễn biến tâm trạng thay đổi bất tử của mình. Có khi còn bảo “Lúc em khóc là lúc em đẹp nhất, đàn bà nhất. Anh yêu”. Giờ, người con gái năm xưa của chàng ngày nào cũng (có chuyện để phải) khóc, nhất là giai đoạn bầu bí và sinh con. Còn, người đàn ông năm nọ của mình, mỗi lần dự cảm thấy sắp lụt, là lẻn đi khóa trái cửa, chui vào cố thủ trong phòng khác, sau khi đã lén tiếp tế thêm hai hộp khăn giấy mở sẵn xuống phía đuôi giường.
Căng thẳng quá, mình giở bài đòi ly dị, đòi hủy giấy đăng ký kết hôn. Mở tủ, vồ lấy tờ giấy đúng tiêu đề, xé xoạch một cái. Này thì hôn nhân tan như bong bóng. Nhưng rồi lại làm lành, rồi sư tử lại lên cơn hâm, lại quên khuấy chuyện cũ, lại tiếp tục mở tủ và xé giấy. Đến lần thứ ba, thì phát hiện hóa ra kẻ lừa đảo tồi tệ đã đem bản gốc giấu đi nơi khác, để lại chục bản phô tô rải rác gánh tội. Một kẻ thủ đoạn, hèn kém không dám đối mặt, liệu có phải chồng tôi không?
Còn chưa hết. Thời yêu đương chưa ràng buộc, thi thoảng lại dắt chàng theo đến thăm các bà đang nuôi con nhỏ. Thấy chàng ra chiều bâng khuâng. Mãi lúc yêu nhau lắm rồi mới dám mở lòng tâm sự “Sau này có gì em cai sữa sớm nhé, không thì nuôi bộ cũng được. Chứ… thế kia thì… anh sợ lắm. Đàn bà có chút vốn liếng để hấp dẫn đàn ông, mà thế thì… chết”. Mình xưa nay trọng hình thức, lấy thế làm sướng âm ỉ, chỉ chờ có cơ hội để thực hành. Ai ngờ sinh con xong, chàng giở mặt, một mực nhồi móng giò, chân dê, chân chó, thuốc nam, đặng bắt bò thêm sữa nuôi con.
Công trình tạo hóa xuống cấp tơi bời. Lắm khi rối ruột, bò sữa nổi quạu gây gổ, thì bò đực dẩu mỏ cãi cùn: “Cứ xõa đi, rồi anh đền bù. Người ta sáu chục triệu là “ngực giả” đã ngon, ít nữa anh cho em tám chục, tươi tỉnh đầy đặn hơn người. Rồi mặc áo dài mỏng, anh thuê thợ chụp cho dăm bức ảnh nghệ thuật, tung lên mạng. Ai dám chê vợ anh kém hoa hậu? Mà lại chẳng lo bị đem ra trưng cầu dân ý để tước danh hiệu em ơi!”."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét